Cách chọn lan hồ điệp đúng chuẩn
Gần Tết, thị trường hoa lan hồ điệp lại nở rộ phục vụ nhu cầu chơi, biếu, tặng... của người dân. Tại Hà Nội, dù mới đầu tháng 12 âm lịch nhưng hàng loạt điểm bán lan hồ điệp đã được mở ở rất nhiều tuyến phố. Những năm gần đây, nhiều người chọn lan hồ điệp để trưng Tết hoặc làm quà biếu vì có giá thành vừa phải, để được rất lâu, hình thức đẹp và không tốn công chăm sóc. Nhưng làm thế nào để chọn được chậu lan hồ điệp vừa đẹp, vừa khỏe, vừa có hương thơm, sự hài hòa trong bố cục?
Lan hồ điệp được mệnh danh là "Nữ hoàng của các loài lan" bởi nó sở hữu trong mình vẻ đẹp sang trọng và kiêu kỳ. Đây là loại lan có xuất xứ từ Đà Lạt (Lâm Đồng), Sapa (Lào Cai), một số được nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Loại hoa này nổi bật bởi màu sắc rực rỡ, cành nhiều bông, nụ và có thể chơi Tết hàng tháng. Chơi hết tết, mọi người có thể tự chăm sóc cũng có thể ra lại hoa. Chơi lan không chỉ sang mà còn bền, chúng có thể giữ nguyên màu sắc, độ tươi tắn suốt 2 - 3 tháng liền. Bởi thế mà, mặc dù có giá không hề rẻ nhưng năm nay khách hàng đã tìm mua khá sớm và đắt khách các loại lan hồ điệp.
Thời điểm này, lan tím, lan vàng... đã trang hoàng cho những con phố như Âu Cơ, Lạc Long Quân, Trần Duy Hưng (hà Nội)... Giá trung bình mỗi cành từ 250.000 - 280.000 đồng, khách hàng muốn có một chậu lan hồ điệp "chưng tết" thì cần bỏ ra từ 1,5 triệu đồng đến trên 30 triệu đồng tùy vào số cành và loại lan.
PGS.TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam là người có nhiều năm nghiên cứu, chọn tạo giống lan hồ điệp. Ông cho biết, để có được giò lan hồ điệp đẹp chơi trong những ngày tết, người tiêu dùng cần chú ý chọn các giò hoa đảm bảo các yêu cầu sau: Bầu cây (giá thể) phải đủ ẩm, rễ cây còn nguyên vẹn, không giập gẫy, trầy xước, lá cây xanh, tươi tự nhiên, không vết bệnh, không khuyết tật cong vênh, giập nát, có vết lạ. Cành (ngồng) hoa to mập, gốc cành hoa thẳng, ngọn cành uốn cong mềm mại tựa dáng lưỡi câu.
Giò hoa có 1 hoặc 2 cành, không có cành nhánh. Mỗi cành có từ 10 nụ hoa trở lên, nụ hoa phải to, trong đó có 2/3 số nụ hoa đã nở, khi nở, cánh hoa phải phẳng, cân đối, không ngửa ra hay cụp vào; màu sắc hoa có thể là trắng, tím, tím đỏ, đỏ cờ, da báo... tùy sở thích người chơi mà chọn mua màu sắc hoa cho hợp thị hiếu.
"Nên chọn các loại hoa trồng trong nước, vừa bền đẹp, ít hóa chất bảo quản, ít sử dụng thuốc và dễ chăm sóc hơn. Nhiều chậu lan hồ điệp có thể chơi đến 3-4 tháng mà hoa vẫn chưa tàn. Sau đó, chỉ cần chăm sóc ở điều kiện bình thường, nếu đủ nắng, đủ ẩm, cây sẽ lại tiếp tục trổ bông vào Tết năm sau mà không cần phải tốn tiền mua cây mới. Nên chọn các loại hoa trồng chậu để có độ bền lâu hơn, khả năng tái sử dụng cao hơn, dễ chăm sóc hơn", PGS.TS Đặng Văn Đông cho hay.
Trong quá trình chơi hoa, tuyệt đối không bón thúc thêm bất cứ loại phân bón hay dưỡng chất nào nữa; nếu bầu hoa khô phun tưới đủ ẩm bằng nước sạch. Ở miền Bắc, nếu trời mưa, nhất là mưa dài ngày thì cấm kỵ tưới. Nếu nhiệt độ giảm quá thấp, dưới 10 độ C thì không được tưới nước lạnh mà buộc phải tưới nước ấm, nhưng cũng nên hạn chế tưới. Nếu độ ẩm không khí xuống quá thấp, cần xịt ẩm thường xuyên môi trường xung quanh cây lan, tránh để thân, lá teo tóp do thiếu nước.
Cách tạo ra nhiều giống lan hồ điệp khác nhau
PGS.TS. Đặng Văn Đông cho biết, Trung tâm Nghiên cứu hoa, cây cảnh của Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu hàng chục loài lan hồ điệp khác nhau với nhiều tính chất ưu việt của hoa nội như hương thơm, màu đẹp, sống khỏe, giá thành rẻ.
Để tạo ra nhiều giống lan hồ điệp khác nhau, PGS.TS. Đặng Văn Đông cho biết, bước đầu tiên của quá trình là thu thập nguồn gene, chủ yếu đến từ các cây lan hồ điệp hoang dại ở trong nước và cả nước ngoài. Sau khi có được nguồn gene cần thiết, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích để xác định cặp lai bố mẹ, nhằm tạo ra những ưu thế lai ưa thích nhất, làm nổi bật các tính trạng tốt như sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh, hoa to, có hương thơm...
Lấy thí dụ về công đoạn này, PGS.TS. Đông cho biết như đối với một giống hoa mọc trong rừng, có đặc tính là tỏa ra mùi thơm, nhưng hoa lại bé, nhanh tàn. Để hạn chế các tính trạng xấu, các nhà khoa học sẽ lấy giống hoa này, để lai với một giống cây hoa to. Kết quả là vừa có cây hoa to đẹp, lại vẫn có mùi thơm.
Bước tiếp theo là lai tạo 2 giống đã chọn để cho ra 1 tổ hợp các cá thể con lai. Theo quy luật của Mendel, quá trình này có thể ra rất nhiều kiểu cá thể khác nhau. Trung bình từ 1.000 cá thể con lai, chỉ chọn được từ 1, 2 cá thể thành công. Bước 3 là công đoạn nuôi cấy mô. Từ một cá thể cây ban đầu, sau thời gian sẽ cho ra được hàng vạn cây đồng đều giống y như cây ban đầu. Sau đó, đến công đoạn nuôi trồng, phát triển và thương mại sản phẩm. Từ các mầm cây nhỏ bé được lai tạo và nhân giống, những cây lan hồ điệp sẽ nảy chồi và phát triển trong môi trường thích hợp.
Theo PGS.TS. Đông, cả một chu trình như thế, ban đầu ít nhất phải mất 10 - 15 năm nếu thành công mới ra được một giống lan hồ điệp. Tuy nhiên giờ đây do đã có sự kế thừa những kết quả nghiên cứu từ nhiều năm trước, nên hàng năm sẽ cho ra được giống mới.
Để có được một cây lan hồ điệp thành phẩm từ cây giống nuôi cấy mô, phải mất trung bình 24 tháng với 3 lần sang bầu. Đặc biệt, vào tháng thứ 15-16 có một công đoạn khó nhất gọi là xử lý phân hóa mầm hoa. Công đoạn này thường rơi vào 15 tháng 7 âm lịch, lúc đó cần phải đảm bảo nhiệt độ nuôi trồng mát lạnh (ban ngày 26-28 độ C, ban đêm 16-18 độ C). Tiếp theo, phải điều chỉnh ánh sáng, độ ẩm, phân bón phù hợp thì cây mới ra hoa đồng loạt vào dịp Tết.
Do mô hình lai tạo và nhân giống bài bản, khu nghiên cứu có thể cho ra những giống hoa lan hồ điệp mới độc đáo và sau đó đăng ký bản quyền cho những giống này, và bán cho những chủ vườn nếu họ có nhu cầu. Từ những giống mới này, chủ vườn có thể nhân lên hàng triệu cây lan hồ điệp với kiểu dáng, ngoại hình không giống với bất kỳ loại nào khác trên thị trường.